Món canh lá đắng có vị đắng đặc trưng của loại rau rừng này, khi mới ăn sẽ khó mà cảm nhận được vị ngọt thơm của nó nhưng sau lần đầu khó khăn đó, có thể bạn sẽ nghiện món ăn này. Nếu có dịp đến với bản Mường ở Thanh Hóa thì đừng quên thưởng thức món canh lá đắng nấu lòng lợn này nhé.
Món canh lá đắng trước đây thường được nấu với thịt và lòng gà, nhưng dần dần được người dân bản xứ biến tấu, trong đó có món canh lá đắng nấu lòng lợn là để lại được ấn tượng sâu sắc nhất và rất được lòng nhiều người.
Lá đắng được chọn nấu canh không non, không già, khi nấu lên sẽ có độ giòn đặc trưng, vi đắng nhưng lại rất thanh chứ không gắt. Lòng lợn được chọn cho món ăn cũng không quá chi li, có thể làm hỗn hợp cả tim, gan, cật, ruột non, ruột già, thêm miếng thịt ba rọi bằm nhỏ nữa cũng hợp.
Lòng heo trước khi nấu vẫn vậy, phải được rửa sạch với muối và chanh, cắt miếng vừa ăn rồi mới đem ướp với gia vị tiêu, ớt, nước nắm, hành và hạt nêm cho thấm vào từng thớ lòng.
Lá đắng được hái về từ trong rừng được rửa sạch và thái sợ nhỏ. Lòng sẽ được trút vào xào trong chảo đã được phi thơm hành tím, lòng lợn xào gần chín thì cho lá đắng vào tiếp tục xào 1 lúc nữa rồi với nêm nếm gia vị vừa ăn. Chưa xong, sau đó đổ nước vào chảo lòng, xăm xắp nước, đậy nắp lại và nấu trong vòng 20 phút cho lá đắng chín mềm. Khi đó nêm nếm lại cho vừa miệng mới được gọi là hoàn tất món canh lá đắng nấu lòng lợn.
Lá đắng tuy có vị đắng nhưng lại rất được người dân bản Mường yêu thích, đem vào trong nhiều món ăn, càng ăn người ta lại càng ghiền vì chính vị đắng đó. Ngoài ra, những món ăn được nấu từ lá đắng cũng có tác dụng tiêu mỡ, chống đầy hơi, dễ tiêu và giải rượu rất tốt.
Lá đắng có thể được dùng nấu với lòng gà, thịt ba chỉ băm viên hay kho với cá đồng, nhưng thơm ngon hấp dẫn nhất có lẽ vẫn phải một lần nữa nhắc đến “canh lá đăng nấu lòng lợn”.